Với những không gian rộng như tòa nhà cao tầng, văn phòng lớn hay sảnh khách sạn, các loại điều hòa thông thường dành cho hộ gia đình thường không đáp ứng hiệu quả làm mát. Trong trường hợp này, giải pháp tối ưu chính là sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm VRV.
Vậy hệ thống điều hòa VRV là gì? Hãy cùng Điện Lạnh Miền Nam tìm hiểu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động và các công trình phù hợp nhất để ứng dụng dòng điều hòa này!
1/ Điều hòa VRV là gì?
“Điều hòa VRV là gì” hay “Hệ thống điều hòa trung tâm là gì” là thắc mắc của nhiều người khi chưa biết rõ về dòng điều hòa này.
Hệ thống điều hòa VRV (Variable Refrigerant Volume) là hệ thống điều hòa có một dàn nóng kết nối với nhiều dàn lạnh thông qua hệ thống đường ống dẫn gas. Hệ thống này được ưa chuộng sử dụng cho các tòa nhà cao tầng, công trình có diện tích lớn và yêu cầu cao về tiện nghi, thẩm mỹ và tiết kiệm năng lượng.
Những loại điều hòa VRV phổ biến có thể kể đến như cassette, áp trần, treo tường và điều hòa tủ đứng. Dòng điều hòa được trang bị công nghệ điều chỉnh môi chất lạnh biến đổi để giúp người dùng điều khiển khả năng làm lạnh cho từng khu vực riêng biệt.
2/ Ưu điểm của điều hòa VRV
Hệ thống điều hòa trung tâm có khả năng làm mát hiệu suất cao, đáp ứng yêu cầu cho các không gian có diện tích lớn. Dưới đây là một số ưu điểm nổi bật của dòng điều hòa này:
2.1/ Tiết kiệm năng lượng
Hệ thống VRV được trang bị máy nén với bộ điều khiển VRT Smart giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình vận hành. Bộ điều khiển VRT Smart quản lý môi chất lạnh một cách thông minh, tự động điều chỉnh lượng làm lạnh chỉ cung cấp cho những dàn lạnh cần thiết, giúp tiết kiệm năng lượng tối đa.
2.2/ Thiết kế dễ thích nghi
Dàn nóng có thiết kế dạng module kết hợp với sự đa dạng về kiểu dáng của dàn lạnh, giúp hệ thống dễ dàng phù hợp với mọi không gian khi lắp đặt. Ngoài ra, cấu trúc khung của dàn nóng được thiết kế nhằm tăng khả năng chống chịu với động đất, gió mạnh và đảm bảo an toàn chống rơi.
2.3/ Điều khiển cục bộ
Hệ thống điều hòa VRV nổi bật với khả năng cho phép người dùng điều chỉnh nhiệt độ riêng biệt cho từng khu vực, tối ưu tiện ích cho các tòa nhà đa không gian.
2.4/ Linh hoạt trong cách bố trí
So với hệ thống điều hòa hai dàn rời truyền thống, hệ thống VRV linh hoạt hơn khi cho phép kết nối tối đa 64 dàn lạnh với một dàn nóng duy nhất. Bên cạnh đó, hệ thống này còn cho phép tăng chiều dài đường ống và độ cao chênh lệch giữa dàn nóng và dàn lạnh, tăng thêm sự linh hoạt trong thiết kế và lắp đặt.
3/ Cấu tạo của điều hòa VRV
Sau khi tìm hiểu khái niệm điều hòa VRV là gì, hãy cùng khám phá cấu tạo và nguyên lý vận hành của dòng điều hòa này.
VRV là hệ thống điều hòa trung tâm giải nhiệt bằng gió, sử dụng động cơ inverter, bao gồm nhiều loại dàn lạnh (FCU) với các mức công suất đa dạng, được kết nối với nhau thông qua hệ thống ống đồng. Hệ thống có thể sử dụng một dàn nóng đơn (CU) hoặc tối đa 3 dàn nóng kết hợp lại, tạo thành một mạng lưới chung để chia sẻ môi chất lạnh trong quá trình hoạt động.
Chiều dài đường ống từ dàn nóng đến dàn lạnh xa nhất có thể lên tới 165 m, chênh lệch độ cao tối đa giữa dàn nóng và dàn lạnh đạt tới 90 m. Tổng chiều dài đường ống của cả hệ thống, bao gồm cả các ống nhánh, có thể lên đến 1000 m.
Hệ thống VRV có khả năng làm mát từng không gian riêng biệt tùy theo cài đặt của từng dàn lạnh (FCU). Mỗi FCU được điều khiển độc lập, cho phép người dùng thiết lập nhiệt độ và lưu lượng gió riêng phù hợp với từng phòng, mang lại hiệu quả vận hành linh hoạt và tối ưu nhất.
3.1/ Dàn nóng
Dàn nóng có lớp vỏ chống chịu thời tiết, được chế tạo từ các tấm thép mạ kẽm tráng men. Việc chế tạo dàn nóng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn IP14. Cấu trúc thiết kế đảm bảo độ cứng, hỗ trợ toàn bộ dàn nóng và được lắp đặt trên khung thép mạ kẽm phủ epoxy có các khe hở, thuận tiện cho việc vận chuyển bằng xe nâng pa-lét.
Dàn nóng phải được thiết kế theo dạng module và cho phép lắp đặt song song. Khi lắp đặt song song, chiều cao và chiều sâu của các dàn nóng phải đồng nhất và thẳng hàng.
Dàn nóng bao gồm các bộ phận chính như: dàn trao đổi nhiệt dạng ống đồng cánh nhôm, động cơ DC dạng ODM với quạt xoắn ốc, máy nén kiểu xoắn ốc, bình tách dầu và hệ thống tuần hoàn dầu, bộ điều khiển tích hợp PCB với màn hình hiển thị 7 phân đoạn, bộ biến tần IGBT loại lưỡng cực có cổng cách nhiệt và nhôm tản nhiệt, bộ lọc gas, hệ thống bảo vệ áp suất cao và áp suất thấp, cảm biến nhiệt, van điện từ, van tiết lưu, van điều tiết áp suất, hệ thống nạp gas tự động, vỏ máy nén mạ kẽm và khoang chứa thiết bị điện mạ kẽm.
Các PCB tích hợp sử dụng công nghệ gắn bề mặt (SMT) và được xử lý đặc biệt nhằm bảo vệ hiệu quả khỏi tác động của bụi bẩn và hơi ẩm.
3.2/ Máy nén
Quá trình vận hành của hệ thống khi điều chỉnh lưu lượng môi chất lạnh đòi hỏi máy nén phải hoạt động linh hoạt ở nhiều mức tốc độ khác nhau, từ tốc độ thấp đến tốc độ cao, tùy thuộc vào nhu cầu làm mát thực tế. Dàn nóng (CU) có công suất từ 6 đến 14 HP sử dụng một máy nén, còn loại từ 16 đến 20 HP sử dụng hai máy nén.
Với dàn nóng trang bị hai máy nén kiểu xoắn ốc (scroll), hệ thống vẫn có thể hoạt động khi một trong các máy nén gặp sự cố thông qua quá trình đặt lại (reset).
Dàn nóng có các mức công suất danh định lần lượt là 6, 8, 10, 12, 14, 16, 18 và 20 HP, có thể kết nối với nhau để tạo thành một hệ thống lớn hơn với tổng công suất lên đến 60 HP. Hệ thống cho phép kết nối từ 2 đến 3 CU, với khả năng mở rộng công suất theo các bước tăng 2 HP.
Mỗi dàn nóng có khả năng cung cấp và điều chỉnh dải công suất lạnh một cách linh hoạt, quản lý thông qua bộ biến tần và hệ thống điều khiển inverter, giúp thay đổi tốc độ quay của máy nén phù hợp với tải lạnh yêu cầu. Khi tải lạnh tăng cao, tốc độ máy nén được nâng lên, làm tăng lưu lượng môi chất lạnh tuần hoàn. Ngược lại, khi tải lạnh giảm, máy nén giảm tốc độ vòng quay, giảm lưu lượng môi chất lạnh tuần hoàn để đáp ứng chính xác yêu cầu thực tế. Thông tin về tải lạnh từ các FCU riêng biệt sẽ được truyền về CU thông qua hệ thống dây dẫn không vỏ bọc và không phân cực.
Dàn nóng còn được tích hợp công nghệ điều khiển nhiệt độ môi chất lạnh thông minh (VRT Smart), nhằm tối ưu hóa hiệu quả vận hành, tiết kiệm năng lượng và tăng tốc độ làm mát.
3.3/ Dàn lạnh
Bộ phận này có nhiều kiểu dáng khác nhau như:
- Loại cassette âm trần (Hai hướng thổi)
- Loại cassette âm trần (Bốn hướng thổi)
- Loại cassette âm trần (Đa hướng thổi 360°)
- Loại cassette âm trần (Đa hướng thổi có cảm biến)
- Loại áp trầm 4 hướng thổi
- Loại cassette âm trần một hướng thổi
- Loại giấu trần ống gió dạng mỏng
- Loại giấu trần nối ống gió áp suất tĩnh trung bình, cao
- Loại áp trần
- Loại treo tường
- Loại đặt sàn/Loại đặt sàn nối ống gió
- Loại tủ đứng đặt sàn
- Thiết bị xử lý không khí (AHUR)
- Bộ xử lý không khí ngoài trời (OAPU)
Các loại FCU có sẵn được thiết kế linh hoạt. Dải công suất từ 2.2kW lên tới 28kW, bao gồm AHUR lên tới 336kW. Tối đa 64 FCU có thể kết nối trong một hệ thống. Mỗi thiết bị phải được điều khiển độc lập hoặc theo nhóm.
Các thành phần cơ bản bao gồm một động cơ quạt, dàn bay hơi, bộ lọc và một van tiết lưu điện tử, đi kèm với các cảm biến nhiệt để hoạt động đúng và hiệu quả.
Mỗi dàn lạnh có van tiết lưu riêng để điều chỉnh lưu lượng gas lạnh phù hợp với nhu cầu của từng khu vực và hiệu suất làm việc của FCU. Nó có thể tiếp tục điều chỉnh lưu lượng môi chất thông qua FCU để đạt được công suất lạnh thiết kế, bằng cách kiểm soát nhiệt độ hút của FCU.
4/ VRV phù hợp cho công trình gì?
Hệ thống điều hòa trung tâm VRV phù hợp với đa dạng các loại công trình, đặc biệt là những công trình có diện tích lớn, đòi hỏi cao về tiện nghi và tính thẩm mỹ nhưng lại gặp hạn chế về không gian lắp đặt. Dưới đây là một số công trình phù hợp để ứng dụng hiệu quả hệ thống điều hòa này:
4.1/ Tòa nhà cao tầng
Điều hòa VRV có khả năng cung cấp lạnh và nóng độc lập theo từng tầng, đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng tại các tòa nhà cao tầng, bao gồm khu văn phòng, sảnh chung và các phòng khách sạn bên trong. Khả năng tiết kiệm năng lượng vượt trội của hệ thống VRV giúp tối ưu hóa chi phí vận hành cho toàn bộ tòa nhà.
4.2/ Văn phòng
Hệ thống VRV cho phép điều chỉnh nhiệt độ linh hoạt và riêng biệt theo từng khu vực, phù hợp với đặc thù sử dụng và nhu cầu cụ thể của mỗi bộ phận trong văn phòng. Nhờ khả năng vận hành hiệu quả và tiết kiệm điện năng, VRV giúp giảm đáng kể chi phí điện năng tiêu thụ, tối ưu hóa ngân sách vận hành của các doanh nghiệp.
4.3/ Khách sạn
Hệ thống điều hòa VRV đem lại sự tiện nghi tối đa cho khách lưu trú nhờ khả năng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và lưu lượng gió độc lập cho từng phòng. Đặc biệt, hệ thống hoạt động êm ái với độ ồn thấp, tạo nên môi trường nghỉ dưỡng thư giãn và thoải mái. Ngoài ra, hiệu quả năng lượng cao còn giúp khách sạn giảm bớt chi phí vận hành đáng kể.
4.4/ Bệnh viện
Hệ thống VRV đảm bảo các tiêu chuẩn cao về vệ sinh và an toàn trong môi trường y tế nhờ khả năng lọc sạch bụi bẩn, vi khuẩn, và kiểm soát độ ẩm hiệu quả. Việc hệ thống hoạt động êm ái với độ ồn thấp đảm bảo không ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi và quá trình hồi phục của bệnh nhân. Bên cạnh đó, công nghệ tiết kiệm năng lượng của VRV còn giúp các cơ sở y tế giảm thiểu chi phí vận hành một cách hiệu quả.
Bài viết đã giải đáp rõ câu hỏi điều hòa VRV là gì, giới thiệu cấu tạo cơ bản của hệ thống, cũng như những công trình phù hợp để ứng dụng điều hòa VRV một cách hiệu quả. Hy vọng thông tin từ bài viết sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích, giúp bạn dễ dàng lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Bạn có thể truy cập Blog của Điện Lạnh Miền Nam để khám phá thêm nhiều thông tin hữu ích và thú vị khác!